Hướng dẫn chống thấm sàn nhà vệ sinh đúng kỹ thuật, hiệu quả cao
Nhà vệ sinh, nhà tắm là không gian chức năng dùng để tắm rửa, vệ sinh với tần xuất sử dụng nhiều nên bề mặt sàn nhà thường xuyên trong tình trạng ẩm ướt, ngậm nước dẫn đến tình trạng ố mốc, mọc rêu gây trơn trượt và nhất tình trạng thẩm thấu nước gây thấm dột. Để ngăn chặn tình trạng trên thì vấn đề chống thấm sàn nhà vệ sinh là rất cần thiết.
Bài viết này chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách chống thấm sàn nhà vệ sinh, nhà tắm cách chuyên nghiệp, đúng kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả lâu dài trong suốt thời gian sử dụng.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Các vị trí trong toilet dễ gây thấm dột nước
Đặc điểm nhà vệ sinh là tiếp xúc nước thường xuyên, lắp đặt nhiều hệ thống thiết bị vệ sinh và hệ thống đường nước phức tạp nên dễ xảy ra tình trạng thấm dột, nhất tại các vị trí quan trọng sau:
- Cổ ống – cống nước thoát sàn: là vị trí lỗ thoát nước trên mặt sàn nhà vệ sinh. Đây là vị trí quan trọng nhất và cũng là vị trí dễ gây thấm dột nhất trong nhà vệ sinh. Nếu cổ ống không được lắp đặt đúng kỹ thuật sẽ gây hiện tượng co ngót gây nứt cổ miệng dẫn đến hiện tượng thấm dột nước mặt sàn xuống phía dưới.
- Mặt sàn nhà vệ sinh: Mặt sàn nhà vệ sinh đa phần đều được ốp gạch đá lát sàn nên khó xảy ra tình trạng thấm nước. Tuy nhiên, nếu quá trình thi công mặt sàn không đảm bảo độ nghiêng xuống phần cống thoát nước sẽ gây tình trạng ứ đọng nước trên mặt sàn gây thấm dột qua các khe nứt mặt sàn. Đồng thời, nếu gạch ốp lát không đảm bảo chất lượng và ốp lát không đúng kỹ thuật sẽ dễ gây tình trạng vỡ gạch, hoặc rò rỉ nước theo đường tiếp giáp các viên gạch…
- Hệ thống đường ống nước: Các vị trí nối ống là nơi dễ xảy ra rò rỉ nước gây thấm dột hoặc va chạm mạnh khiến đường ống nước bị rạn nứt sẽ gây hiện tượng thấm dột.
Sàn nhà vệ sinh thấm nước gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây ra tình trạng ẩm mốc mặt trần đối với khu vực tầng dưới, nhất là đối với không gian tầng dưới có lắp đặt trần thạch cao sẽ gây ẩm mốc, ố trần, vỡ tấm thạch cao… gây mất thẩm mỹ, ô nhiễm môi trường và tốn kém thời gian lẫn chi phí sửa chữa.
Hướng dẫn cách chống thấm sàn nhà vệ sinh đúng kỹ thuật
Sử dụng sơn chống thấm
Hai loại sơn chống thấm phổ biến nhất thường được ứng dụng để chống thấm nền nhà vệ sinh: sơn chống thấm Sika hoặc sơn chống thấm Kova. Ưu điểm của hai loại sơn chống thấm này là ngăn thấm nước hiệu quả, chịu mài mòn tốt, độ bền cao. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các loại sơn chống thấm cao cấp khác trên thị trường.
Quy trình chống thấm dột sàn nhà vệ sinh bằng sơn chống thấm:
Bước 1: Quét dọn sạch sẽ bề mặt sàn nhà vệ sinh. Trong trường hợp sàn cũ, cần tháo dỡ gạch ốp, trám lại các vết nứt và làm phẳng mặt sàn.
Bước 2: Tiến hành quét sơn chống thấm lên bề mặt sàn, nên quét 2-3 lớp sơn để đảm bảo hiệu quả và lớp sau chỉ được tiến hành sau khi lớp liền trước đã khô (thời gian mỗi lớp cách nhau 4h-6h). Đối với sơn chống thấm Sika, cần tiến hành quét sơn lót để tăng khả năng kết dính trước khi tiến hành sơn chống thấm.
Bước 3: Thử nước và nghiệm thu bằng cách sau khi lớp chống thấm cuối cùng đã khô thì tiến hành thử nước và nghiệm thu trong 24h. Nếu đảm bảo chất lượng chống thấm thì tiến hành quét thêm một lớp vữa để bảo vệ bề mặt, sau đó tiến hành ốp lát gạch sàn nhà vệ sinh.
Sử dụng màng tự dính
Sử dụng màng tự dính là một trong những phương pháp chống thấm dột hiệu quả nhất hiện nay. Các bước thực hiện phương pháp chống thấm bằng màng tự dính như sau:
Bước 1: Quét dọn và xử lý bề mặt sàn nhà vệ sinh cho sạch sẽ, nhẵn phẳng. Đối với sàn nhà vệ sinh đã qua sử dụng cần tháo dỡ gạch ốp lát trước và tiến hành xử lý các vết nứt cùng các vị trí gồ ghề trên bề mặt sàn nhà.
Bước 2: Thi công màng tự dính chống thấm bằng cách quét lớp sơn lót Primer để tăng độ kết dính bề mặt. Sau đó tiến hành dán màng tự dính lên mặt sàn (xử lý kỹ các vị trí góc cạnh, điểm tiếp giáp với các thiết bị vệ sinh, cống thoát nước). Cuối cùng, phủ lớp vữa lên bề mặt để bảo vệ lớp màng dính.
Bước 3: Thử nước và nghiệm thu bằng cách chờ sau khi lớp vữa khô thì tiến hành thử nước và nghiệm thu trong 24h.
Phương pháp màng khò nóng
Đây là phương pháp được các chuyên gia đánh giá cao về sự hiệu quả, phương pháp này thường được ứng dụng để chống thấm dột trong các khu vực thường xuyên tiếp xúc nước như nhà vệ sinh, hồ cá, bể bơi…
Quy trình thi công chống thấm bằng phương pháp màng khò nóng
Bước 1: Chuẩn bị bề mặt chống thấm (tương tự như 2 phương pháp trên)
Bước 2: Thi công chống thấm bằng màng khò nóng. Trước tiên, tiến hành quét lớp lót bề mặt để tăng độ kết dính. Sau đó, mở cuộn màng chống thấm trải từ từ trên mặt sàn kết hợp cùng máy khò hơi nóng vào tấm màng cho đến khi lớp màng bitum chảy ra (sử dụng con lăn để ép chặn tấm màng lên mặt sàn)
Bước 3: Thử nước và nghiệm thu (tương tự như các bước trên)
Trên đây là những giới thiệu các cách chống thấm sàn nhà vệ sinh, nhà tắm phổ biến nhất hiện nay và hướng dẫn chi tiết các thực hiện đối với từng phương pháp, đảm bảo đúng kỹ thuật mang lại hiệu quả sử dụng lâu dài, ngăn chặn tình trạng thấm dột nước gây hư hỏng kết cấu nhà và gây mất thẩm mỹ cho không gian nhà.